Thoái hóa khớp – Có chữa được bằng glucosamin?
Thoái hóa khớp là một bệnh gây đau nhức các khớp như đau khớp đầu gối, đau khớp ngón tay. Hiện chưa có loại thuốc nào được chứng minh chữa khỏi hoàn toàn bệnh này. Vì thế, nhiều bệnh nhân tìm đến glucosamin với hy vọng sẽ chặn đứng được tổn thương do thoái hóa khớp.
Vậy liệu glucosamin có tác dụng giảm đau nhức khớp đầu gối, ngón tay hay không?
Ở Mỹ cứ 10 người lớn thì có hơn một người sử dụng sản phẩm này. Doanh số toàn cầu đã vượt quá con số 2 tỷ đô la vào năm 2010.
Đã có nhiều nghiên cứu xác định liệu glucosamin có hiệu quả không. Kết quả đưa ra mâu thuẫn nhau và bị ảnh hưởng bởi những sai số trong các thử nghiệm được sự tài trợ của các công ty.
Phần lớn các nghiên cứu trước đây cũng dựa trên chụp X quang để đánh giá sự thay đổi cấu trúc sụn khớp. Những nghiên cứu đó chưa sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp nhạy hơn có thể trực tiếp cho thấy những thay đổi đối với sụn và những phát hiện đặc hiệu như tổn thương tủy xương dưới lớp sụn, thường đi kèm với tiến triển của bệnh và đau.

Do đó, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Arizona, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm trên 201 người bị thoái hóa khớp gối. Họ cho người bệnh uống mỗi ngày 1.500 mg glucosamin hydrochlorid (Regenasure) hoặc giả dược trong 24 tuần. Và sau đó sử dụng MRI để đánh giá tổn thương sụn.
Kết quả cho thấy ở những người bị đau khớp gối mạn tính, việc uống bổ sung glucosamin hàng ngày không làm giảm thoái hóa sụn khớp và không làm giảm đau. Xét nghiệm chất CTX-II trong nước tiểu, một dấu hiệu của thoái hóa sụn cũng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm, mặc dù có sự cải thiện chút ít ở nhóm dùng giả dược.
“Nghiên cứu của chúng tôi không tìm thấy bằng chứng là việc uống bổ sung glucosamin làm giảm tổn thương sụn khớp, giảm đau hoặc cải thiện chức năng ở những người bị đau khớp mạn tính”, các nhà nghiên cứu cho biết.

- Xem thêm: Có thuốc chữa khỏi thoái hóa khớp?
Những hạn chế của nghiên cứu này bao gồm tỷ lệ bỏ cuộc cao hơn ở nhóm giả dược. Tỷ lệ 16,5% so với 5,1% nhóm dùng glucosamin. Mức độ thoái hóa sụn nhóm này cũng ít hơn. Ngoài ra, phần lớn các nghiên cứu trước đây sử dụng dạng viên nén glucosamin sulfat. Trong khi nghiên cứu này sử dụng dạng nước uống chứa glucosamin hydrochlorid.
Theo các bác sĩ thì glucosamin có thể tăng nguy cơ chảy máu ở một số bệnh nhân. Những bệnh nhân rối loạn chảy máu, đang uống thuốc gây loãng máu nên lưu ý. Nếu dùng glucosamin nên kiểm tra thường xuyên thời gian đông máu để kiểm soát tình hình. Những tác dụng phụ thông thường liên quan đến glucosamin: đầy hơi, đi ngoài phân mềm, khó chịu đường tiêu hóa, buồn ngủ, mất ngủ, đau đầu, dị ứng da, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, móng trở nên cứng… Glucosamin cũng có thể gây tăng huyết áp tạm thời và tăng nhịp tim, nhịp mạch.
Lợi ích của glucosamin hiện vẫn đang gây tranh cãi. Chính vì vậy nên cân nhắc khi sử dụng glucosamin để giảm các cơn đau nhức đầu gối, ngón tay.
Bình luận của bạn